Dạy thêm, học thêm đã và đang diễn ra trên phạm vi cả nước, trong đó có Vĩnh Phúc. Nguyên nhân chính của vấn đề được người trong cuộc xác định là do áp lực học tập và thi cử khi các cuộc đua vào trường chuyên, lớp chọn, trường công lập và các trường đại học ngày càng khó khăn; việc cạnh tranh thứ bậc, thành tích của các nhà trường và ngành Giáo dục & Đào tạo các địa phương diễn ra gay gắt.
Theo thống kê của Trường THCS Tam Hợp, huyện Bình Xuyên, năm học 2023 – 2024, nhà trường có 642 học sinh của 16 nhóm lớp. Để nâng cao chất lượng giáo dục, nhất là trang bị tốt kiến thức cho học sinh lớp 9, ngoài học chính khóa vào buổi sáng, nhà trường đang tổ chức dạy thêm cho học sinh vào buổi chiều, với 3 môn Toán, Văn và Tiếng Anh. Việc tổ chức học thêm được sự đồng ý của 100% phụ huynh học sinh. Các lớp học thêm được tổ chức theo đúng hướng dẫn của Sở Giáo dục và Đào tạo; học sinh khối lớp 6, 7, 8 học 3 buổi/tuần; khối lớp 9 học 4 buổi/tuần.
Chị Nguyễn Thị Thu Hằng, phụ huynh học sinh Nguyễn Minh Uyên, lớp 6A1, Trường THCS Tam Hợp cho biết: “ Để con tiếp thu kiến thức và theo kịp bạn bè ngay đầu năm học mới, cấp học mới, gia đình tôi đã đăng ký cho con đi học thêm tại trường. Bởi lẽ, học thêm giúp con bổ trợ kiến thức và là cách để quản lý thời gian của con khi hai vợ chồng đi làm. Ngoài ra, học phí phải đóng thấp hơn nhiều so với học thêm ở các lớp bên ngoài”.
Ngoài học trên lớp, nhiều bố mẹ còn đăng ký cho con học thêm ở các lớp bên ngoài nhà trường với mong muốn con đạt thành tích vượt trội. Chia sẻ quan điểm về dạy thêm, học thêm ở bên ngoài, chị Hằng cho rằng cần có những biện pháp mạnh để hạn chế tình trạng này, bởi đa số học sinh đã học 2 buổi/ngày tại trường nên các con cần có thời gian để ôn tập lại kiến thức và nghỉ ngơi thư giãn. Việc nhiều học sinh đi học thêm ở bên ngoài cũng tạo áp lực cho các học sinh và phụ huynh khác vì nỗi lo không theo kịp bạn”.

làm giảm nhu cầu học thêm bên ngoài của Trường THCS Tam Hợ
Cũng có con học cấp THCS, anh N.V.H, phụ huynh của một học sinh khối lớp 9 chia sẻ: Việc thi đỗ vào trường THPT chuyên Vĩnh Phúc và các trường THPT công lập trên địa bàn tỉnh không dễ dàng vì tỷ lệ phân luồng học sinh khá cao; do đó, dù bố mẹ không đặt áp lực lên con thì tự bản thân các con cũng đặt áp lực cho chính mình. Năm nay, ngoài học thêm ở trường, gia đình tôi đăng ký cho con học thêm 1 môn ở bên ngoài để bổ trợ thêm kiến thức, giúp cháu tự tin bước vào kỳ thi THPT sắp tới.
Thầy giáo Phạm Duy Cảnh, Hiệu trưởng Trường THCS Tam Hợp cho biết: Thực hiện văn bản của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND huyện về việc tổ chức, quản lý dạy thêm, học thêm trong các cơ sở giáo dục, Trường THCS Tam Hợp đã quán triệt đến toàn thể cán bộ, giáo viên. Đồng thời, căn cứ kết quả khảo sát đầu năm của học sinh lớp 6 và điểm trung bình môn theo các học kỳ và dựa theo nguyện vọng học thêm của học sinh các khối 7,8, 9 để xếp lớp, bảo đảm phân theo năng lực của học sinh, không tổ chức lớp học thêm theo các lớp học chính khóa và không quá 45 học sinh/lớp. Thực hiện phân công những giáo viên có trình độ, năng lực chuyên môn tốt để giảng dạy và tổ chức đánh giá kết quả học sinh sau mỗi đợt dạy thêm. Về việc tổ dạy thêm bên ngoài của một số giáo viên nhà trường, sau khi được quán triệt, nhắc nhở, các thầy cô đã tạm dừng việc dạy thêm theo đúng tinh thần chỉ đạo của cấp trên”.
Còn tại Trường Tiểu học Trưng Nhị, phường Trưng Nhị, hiện nay học sinh đang học 2 buổi/ngày theo chương trình giáo dục mới và nhà trường không tổ chức cho học sinh học thêm ở trường. Cô Lương Thị Kim Tuyến, Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Sau khi có văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo và văn bản của UBND thành phố Phúc Yên, nhà trường đã quán triệt, tổ chức cho 100% giáo viên ký cam kết không dạy thêm và thường xuyên nắm bắt thông tin từ phụ huynh học sinh để kiểm soát việc các giáo viên tổ chức dạy thêm ở bên ngoài trường học. Qua một thời gian thực hiện, nhà trường chưa phát hiện giáo viên nào vi phạm. Đặc biệt, để hạn chế tình trạng học thêm ở bên ngoài, trường Tiểu học Trưng Nhị sẽ tập trung nâng cao chất lượng dạy và học trên lớp; thường xuyên kiểm tra giáo án, tổ chức dự giờ, kiểm tra đột xuất việc dạy học của các giáo viên và tăng cường kiểm tra, đánh giá năng lực đối với học sinh.
Siết chặt việc học thêm, dạy thêm, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố Phúc Yên đã tham mưu UBND thành phố ban hành các văn bản về quản lý công tác dạy thêm, học thêm; công bố đường dây nóng tiếp nhận phản ánh của Nhân dân về việc dạy thêm, học thêm. Đồng thời, tăng cường kiểm tra, giám sát, nhất là kiểm tra đột xuất việc thực hiện các văn bản chỉ đạo của Sở Giáo dục và Đào tạo, UBND thành phố đối với các trường học trên địa bàn; gắn việc thực hiện các quy định về dạy thêm, học thêm vào thi đua của giáo viên và các nhà trường.
Đồng chí Phạm Ngọc Thiện, Trưởng Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố cho biết: Việc quán triệt không tổ chức dạy thêm, học thêm đã được ngành Giáo dục và Đào tạo của tỉnh thực hiện nhiều năm nay. Năm học 2022 – 2023, qua kiểm tra đã phát hiện một số giáo viên của các trường chưa thực hiện nghiêm túc, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố đã nhắc nhở và yêu cầu nhà trường quản lý trực tiếp giáo viên có hình thức xử lý vi phạm phù hợp để làm gương. Trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo thành phố sẽ tăng cường kiểm tra đột xuất, kịp thời phát hiện và xử lý nghiêm những giáo viên không thực hiện đúng chỉ đạo.
Trước tình trạng học thêm, dạy thêm còn diễn ra trên địa bàn tỉnh, ngày 20/10/2023, Sở Giáo dục và Đào tạo đã ban hành văn bản về việc tổ chức và quản lý dạy thêm, học thêm trong các cơ sở giáo dục năm học 2023 – 2024. Theo đó, các trường học không dạy thêm đối với học sinh đã được nhà trường tổ chức dạy học 2 buổi/ngày; không tổ chức dạy thêm, học thêm văn hóa đối với học sinh tiểu học. Nghiêm cấm ép buộc gia đình học sinh cho con em đi học thêm, học sinh học thêm dưới mọi hình thức. Nội dung chương trình dạy thêm, học thêm tại trường tập trung củng cố, nâng cao kiến thức, kỹ năng cho học sinh, nhất là đối với sinh thi vào lớp 10 và học sinh ôn thi tốt nghiệp THPT. Văn bản cũng nêu rõ, không cắt giảm nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá để đưa vào giờ dạy thêm; không dạy thêm trước những nội dung trong chương trình giáo dục phổ thông chính khoá. Tổ chức lớp dạy thêm dựa theo năng lực của học sinh, không theo lớp chính khóa…
Văn bản chỉ đạo đã rõ ràng, song cần nhìn nhận đây chỉ là giải pháp tình thế, bởi dạy thêm và học thêm là nhu cầu chính đáng của nhiều học sinh, phụ huynh và cả giáo viên nhằm trang bị kiến thức cho học sinh bước vào các cuộc thi, nhất là trong bối cảnh tỷ lệ phân luồng học sinh sau THCS tại Vĩnh Phúc liên tục tăng tỷ lệ đi học nghề và nhiều phụ huynh cho rằng, học nghề chỉ là giải pháp cuối cùng khi con em mình không đỗ vào trường THPT.
Để tháo gỡ điểm nghẽn này, cần các giải pháp đồng bộ, toàn diện mang tính vĩ mô từ Bộ Giáo dục và Đào tạo trong việc giảm tải các chương trình học, giảm bớt áp lực thành tích cho học sinh, phụ huynh, giáo viên và cho cả nhà trường. Có như vậy mới giải quyết được tận gốc của vấn đề.
Nguồn: https://vinhphuc.gov.vn/ct/cms/tintuc/Lists/VanHoaXaHoi/View_Detail.aspx?ViewHotNew=true&ItemIDHot=23811&ItemID=18737